Tại các địa điểm này, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 – 50 bé đến vui chơi, cuối tuần có thể lên đến 180 – 200 bé. Trò chơi hợp với trẻ Lâu đài Happy (Cách Mạng Tháng Tám, quận 10) chủ yếu làm dịch vụ tổ chức sinh nhật cho trẻ nhưng cũng dành 2 buổi sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần bán thức ăn sáng và cho trẻ chơi miễn phí. Thực đơn ăn sáng cho trẻ ở đây từ 15.000 đồng trở lên nhưng bù lại, bé được tự do chơi ở khu vực nhà nấm, hồ câu cá và được xem xiếc, tô tượng, vẽ tranh. Sáng 12-6, Thế giới trò chơi trẻ em sôi động hẳn lên vì có hơn 50 em thiếu nhi phường 14, quận 10 đến chơi trò chơi và sinh hoạt hè. Chị Triệu Đoan Cẩn, quản lý của Questxone, cho biết: Lúc còn trong năm học, các em thường tập trung đến chơi vào 2 ngày cuối tuần. Bây giờ nghỉ hè, trẻ đến chơi đông hơn nhưng rải rác suốt tuần và… suốt ngày. Tại những địa điểm này, các trò chơi vận động như cầu tuột, nhà banh, súng bắn banh, lưới nhảy lò xo, ống trượt S-Slide, làn trượt ròng rọc, vượt tam cấp chui qua đường hầm,… để các em vận động, rèn luyện thể lực chiếm đa số. Một số nơi còn bố trí khu vực riêng cho trẻ đọc sách, xem truyện tranh, vẽ tranh, tô tượng, lắp ghép… Để bảo vệ trẻ khỏi bị té ngã, trầy xước, khu trò chơi ở những nơi này được gắn màng lưới bảo vệ, nền nhà lát thảm hoặc mút xốp đàn hồi, vật dụng bằng sắt thép được bao kỹ bằng mút xốp, giúp trẻ đỡ đau khi va chạm, té ngã.
Chấp nhận giá cao Tính trung bình, giá cho một suất chơi của các bé tại những khu trò chơi trong nhà ít nhất cũng 50.000 đồng, gồm các khoản: vé vào cửa dao động từ 25.000 đồng – 27.000 đồng/giờ (ngày thường) và 30.000 đồng/giờ (ngày chủ nhật) cho giờ đầu tiên và 15.000 đồng/giờ cho giờ thứ 2 trở đi; tiền thức ăn, uống cho ba mẹ và bé giá vé từ 6.000 đồng – 25.000 đồng/món… Dù giá khá cao nhưng với nhiều bậc phụ huynh, đây là mức giá chấp nhận được. Chị Tuyết, nhà ở gần chợ Trần Hữu Trang, tuần nào cũng dẫn con đến Công ty Mặt trời bé con chơi, nói: “Dù hơi tốn tiền nhưng bù lại con mình chơi trong nhà sạch sẽ, an toàn, không sợ con bị trầy xước, dính bụi đất. Còn chơi ở công viên, nhà thiếu nhi vừa ít trò chơi, vừa sợ con bị té đau”. Bé Bo, nhà ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, là khách ruột của Lâu đài Happy, hồn nhiên: “Con thích chơi ở đây hơn vì vui, được ăn ngon”. Một phụ huynh nói thẳng: “Muốn cho con vận động phải mất tiền đến những nơi tư nhân, còn ở nhà thiếu nhi, công viên lâu nay chỉ có đu quay, xe điện, thú nhún… vừa cũ kỹ vừa lo không an toàn”.
Trong khi đó, khu trò chơi ở một số công viên mở cửa tự do thường vắng vẻ. Có lẽ do không có nhiều khách hàng nên khu trò chơi trẻ em ở đây bị bỏ bê, nhiều cái gỉ sét, sứt mẻ. Các nhà thiếu nhi quận, huyện thì tập trung mở các lớp học hè, dạy võ thuật, múa, đàn, hát… Thậm chí, Nhà Thiếu nhi quận 1 còn sử dụng khoảng sân rộng làm bãi giữ xe, quán cà phê và dạy võ… chứ không có khoảng trống, trò chơi nào cho trẻ. Có lẽ chính vì vậy nên sân chơi của tư nhân đang ngày càng ăn nên làm ra.